Công ty cổ phần sợi Việt Trí | Viet Tri Spinning JSC

Công ty cổ phần sợi Việt Trí | Viet Tri Spinning JSC

Công ty cổ phần sợi Việt Trí | Viet Tri Spinning JSC

Xuất khẩu sợi qua Trung Quốc: rủi ro đang đến gần

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), trong cuộc gặp gỡ đầu tuần này với báo chí  cho biết, lâu nay ngành sợi Việt Nam xuất khẩu 2/3 sản lượng, phần còn lại được tiêu thụ trong nước.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm hết 1/3 lượng sợi xuất khẩu của Việt Nam, nhưng thị trường này áp thuế chống bán phá giá với sợi Việt Nam trong vài năm qua, khiến doanh nghiệp chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi vào Trung Quốc. Các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài cũng đầu tư sản xuất sợi tại Việt Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc này lại cạnh tranh với sản xuất sợi tại Trung Quốc cũng như ảnh hưởng ngành bông trong nước vốn được Trung Quốc khuyến khích phát triển. Ông Tuấn cho biết, Chính phủ Trung Quốc vừa qua đã tạo dựng đặc khu kinh tế ở Tân Cương (phía Tây Trung Quốc) với các ưu đãi như giá điện tại đây chỉ bằng 1/2 so với giá điện chung tại Trung Quốc, và doanh nghiệp được Chính phủ tài trợ 1/3 lương lao động,… Do đó, chỉ trong 2-3 năm qua, đã có 10 triệu cọc sợi được đầu tư tại đây.

Theo ông Tuấn, nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất sợi này, trong vài năm tới nước này sẽ đủ sức bù được lượng sợi mà họ đang nhập khẩu từ Việt Nam. Khi ấy, vấn đề đặt ra là sợi của Việt Nam sẽ xuất khẩu sang thị trường nào.

Trong khi đó, hiện Ấn Độ (chiếm 30% nhập khẩu sợi của Trung Quốc), Việt Nam (chiếm 29%) và Pakistan là ba nước xuất khẩu mạnh sản phẩm sợi sang Trung Quốc. Hiện giá sợi giảm liên tục, trong khi đó Việt Nam gần như không có lợi thế so với Ấn Độ và Pakistan, ngoại trừ việc Việt Nam có tham gia Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc. Với hiệp định này, sợi của Việt Nam vào Trung Quốc được hưởng thuế suất 0%, sợi Ấn Độ chịu thuế 3%, nhưng mức thuế chênh lệch này không đáng kể và lợi thế này dễ mất đi nếu Ấn Độ giảm giá bán.

Do đó, ông Tuấn cho rằng, trước tình hình này, về lâu dài, nguồn sợi sản xuất của Việt Nam cần tập trung vào thị trường trong nước, tức đòi hỏi ngành vải trong nước phải phát triển để tiêu thụ lượng sợi này. Ngoài ra, việc phát triển ngành vải cũng giúp toàn ngành dệt may Việt Nam phát triển vì vừa đáp ứng được các yêu cầu xuất xứ trong các hiệp định thương mại, cũng như hỗ trợ ngành thời trang nội địa.

“Muốn sản xuất vải thì chúng ta phải quy hoạch hạ tầng, khu công nghiệp, và có chính sách của chính phủ, và có lao động chất lượng cao đáp ứng cho ngành vải”, ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, hiện phần lớn sợi Việt Nam sản xuất là sản phẩm cấp thấp và trung bình, trong khi sản xuất vải trong nước lại cần sợi cấp cao, do đó hiện một số doanh nghiệp sợi tại Việt Nam đã đầu tư thiết bị để sản xuất sợi chất lượng cao.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng xơ, sợi dệt các loại sang thị trường Trung Quốc với số lượng hơn 288.000 tấn, trị giá hơn 721 triệu đô la Mỹ, tức chiếm khoảng 54% về lượng và gần 55% về trị giá trong tổng xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.

Nguồn: Saigon Times

Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí