Dệt may “khát” đơn hàng

Dệt may “khát” đơn hàng

Dệt may “khát” đơn hàng

Dệt may “khát” đơn hàng

Dệt may “khát” đơn hàng

 

Nửa năm đầu 2016, ngành dệt may chỉ đạt 41% kế hoạch xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp (DN) nội địa thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng. Dự báo, tình hình này tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới và toàn ngành chỉ xuất khẩu hàng dệt may được khoảng 29 tỷ USD, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Sức cạnh tranh kém

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 12,67 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng kỳ vọng và chỉ đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Đây là mức tăng trưởng kim ngạch thấp nhất của ngành dệt may trong vòng trong 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, mức tăng trưởng xuất khẩu này chủ yếu là do sự đóng góp của các DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vì các DN ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Đặc biệt, nhiều DN nhỏ và vừa có thể phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Nhiều DN may lớn như Việt Tiến, Nhà Bè hay May 10… cũng gặp khó khăn trong việc khai thác đơn hàng mới nhằm ổn định cho công nhân có việc làm từ nay đến cuối năm. Đại diện nhiều DN dệt may cho biết, do đơn hàng dệt may không dồi dào nên DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Những tháng đầu năm nay, lượng đơn hàng của một số DN chỉ đạt bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đơn hàng giảm là do lượng hàng tồn nhiều, sức tiêu dùng của các nước giảm. Trong khi giá xuất khẩu gần như không tăng, thậm chí có xu hướng giảm từ 10% - 15%, nhưng chúng tôi vẫn phải làm để tính đủ khấu hao và đủ lương cho lao động”, ông Trần Văn Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần May Long Nhung (quận 12, TPHCM), chia sẻ.

Bên cạnh đó, DN đang phải gánh hàng loạt chi phí đầu vào như tăng lương tối thiểu, các khoản bảo hiểm, phí vận chuyển… Điều này càng khiến DN chật vật hơn rất nhiều, phải thỏa thuận với đối tác về thời gian giao hàng cũng như giá đơn hàng để duy trì hoạt động. Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM Phạm Xuân Hồng nhìn nhận, tình trạng DN may mặc trong nước đang thiếu đơn hàng là do mức tiêu thụ của các thị trường trên thế giới bị chững lại khi người tiêu dùng các nước cắt giảm chi tiêu do khó khăn kinh tế. Ngoài ra, một số đơn hàng với số lượng lớn, đòi hỏi gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, lại được khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia, khiến lượng đơn hàng tại Việt Nam bị hụt. Nguyên do là hiện nay, khi các FTA với Mỹ và EU còn chưa có hiệu lực, nhiều nước tại châu Á đã có những động thái thu hút đơn hàng do các nước này đã được hưởng các ưu đãi thuế quan từ các FTA với các thị trường nhập khẩu. Trong khi đó, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải chịu thuế suất nhập khẩu từ 17% - 18%. Bên cạnh đó, lương tối thiểu ở các nước như Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka cũng thấp hơn Việt Nam. Ngay cả tại thị trường Trung Quốc, trước bối cảnh hàng loạt DN dệt may ngừng hoạt động, nước này đã giảm tỷ lệ đóng BHXH từ 22% xuống còn 18%, khiến hàng Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. Đó là nguyên nhân khiến những đơn hàng đã ở Việt Nam, nhưng sau đó đối tác vẫn chuyển đi gia công ở các nước khác có chi phí thấp hơn.

Tạo chính sách ổn định

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Vitas, ngoài những tồn tại nêu trên, khó khăn của ngành dệt may còn bắt nguồn từ chính sách tỷ giá của Việt Nam ổn định và neo vào đồng tiền mạnh như USD, trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đã điều chỉnh rất mạnh. Ví dụ, đồng EUR đã mất 18% giá trị; đồng Yen mất 17% giá trị; Nhân dân tệ mất 8% giá trị... Đồng thời, các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như các nước ASEAN, Ấn Độ, Bangladesh cũng giảm giá đồng tiền của họ từ 10% - 20%. Bên cạnh tỷ giá, tiền lương tối thiểu liên tục tăng cũng đã làm tăng chi phí đầu vào của DN; giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, lãi vay ngân hàng quá cao, ở mức 8% - 10%, gấp từ 2 đến 3 lần so với các nước đối thủ khác, làm chi phí tài chính của DN tăng, đẩy giá thành hàng hóa Việt Nam lên cao. Những yếu tố này đã khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn các nước đối thủ cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam từ 20% - 30%. Do đó, để duy trì sự tăng trưởng ổn định, bền vững cho ngành dệt may, Vitas kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành, đối với các chính sách của ngành dệt may cần tạo ra sự ổn định về hành lang pháp lý cả trong ngắn và dài hạn. Đồng thời, Chính phủ cần tạo ra động lực phát triển dài hạn cho ngành dệt may thông qua việc quy hoạch những khu công nghiệp đủ khả năng kêu gọi đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, có quy mô đảm bảo các yêu cầu về nước thải và môi trường để đảm bảo tính lâu dài cho các dự án trọng điểm của ngành, đặc biệt là cho các khâu dệt, sợi, nhuộm.

Về phía DN, để tăng xuất khẩu cũng như thu hút đơn hàng, đồng thời tận dụng được một số lợi ích từ các FTA, các chuyên gia trong ngành cho rằng, DN dệt may cần phải tập trung phải đột phá tìm ra giải pháp để tăng năng suất và đảm bảo quy tắc xuất xứ từ xơ, sợi trở đi phù hợp quy định của TPP và từ vải trở đi theo quy định của FTA Việt Nam - EU. Để làm được việc này, các DN cần phải liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu nguyên liệu, cơ cấu lại ngành dệt may. Các DN dệt may cũng cần từng bước chuyển dần từ gia công sang hình thức FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối), hạn chế việc xuất khẩu qua khâu trung gian. Chủ động tìm kiếm thị trường mới để tránh lệ thuộc những thị trường truyền thống khi có sự cố xảy ra như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vừa qua, khiến đơn hàng xuất khẩu dệt may của DN bị ảnh hưởng, sụt giảm.

LẠC PHONG

Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí Công ty cổ phần sợi Việt Trí